Tin tức và Sự kiện

Vạch hướng phát triển TPHCM

TPHCM sẽ là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước

TPHCM sẽ là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển TP nhanh và bền vững, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh... Đây là những tiêu chí quan trọng được lãnh đạo UBND TPHCM đặt ra và thể hiện rõ trong tờ trình gửi HĐND TP về “Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, sau hơn 2 năm soạn thảo và hoàn chỉnh.


Xa lộ Hà Nội tiếp tục được mở rộng. Ảnh: TẤN THẠNH

Phát triển theo mô hình tập trung - đa cực

Theo dự án được soạn thảo, khu vực trung tâm TPHCM là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển. Cụ thể, phát triển TP theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, 3, một phần quận 4, Bình Thạnh, có quy mô 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm có quy mô 737 ha.
Cực phát triển thứ hai là phát triển TP theo 2 hướng chính: hướng Đông và hướng Nam ra biển cùng 2 hướng phụ: Tây - Bắc và hướng Tây, Tây -Nam. Cực thứ ba là không phát triển đô thị tại các vùng bảo tồn nghiêm  ngặt và vùng phục hồi sinh thái như rừng ngập mặn Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn huyện Bình Chánh và Củ Chi. Cuối cùng là phát triển đô thị gắn với mục tiêu  bảo đảm an ninh, quốc phòng.

TP cũng quy hoạch một số phân khu chức năng: khu nội thành hiện hữu gồm 13 quận nội thành có diện tích khoảng 14.200 ha (quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 4,5 triệu người); khu nội thành phát triển gồm 6 quận mới với diện tích khoảng 35.200 ha (quy mô dân số đến năm 2025 khoảng 2,9 triệu người); các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại địa bàn ngoại thành  gồm 5 huyện với diện tích khoảng 160.200 ha (quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 2,6 triệu người); các khu, cụm công nghiệp tập trung gồm 1 khu công nghệ cao, 20 KCN tập trung, KCX và cụm công nghiệp địa phương với quy mô 8.792 ha.

Cùng với tổ chức không gian lãnh thổ cho khu vực đô thị, TPHCM cũng tập trung đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới để tạo động lực phát triển cho các huyện ngoại thành. Trong đó, TP ưu tiên phát triển 2 khu đô thị mới với quy mô lớn là khu đô thị Tây -Bắc tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, có quy mô 6.000 ha và khu đô thị - cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có quy mô khoảng 3.900 ha.

Chủ đạo vẫn là xe buýt, từng bước hình thành metro

TPHCM xác định mạng lưới giao thông được tập trung phát triển nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các KCN, các công trình đầu mối giao thông liên vùng, gắn kết chặt với các tỉnh trong vùng đô thị TPHCM để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt nhất thế mạnh kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Cùng với đường sắt, đường thủy và hàng không, loại hình được TP ưu tiên đầu tư phát triển là đường bộ. Trong đó, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đường hướng tâm đối ngoại và hệ thống đường vành đai. Với đường vành đai, trong  giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, TP xây dựng 3 tuyến đường vành đai: đường nối vành đai phía Đông (xa lộ Hà Nội); đường trục Bắc Nam TP (đoạn từ nút giao với đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh); đường nối đại lộ Đông Tây với đường ô tô cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Bên cạnh đó, TP đang xây dựng và sẽ tiếp tục đầu tư xây 5 cây cầu đường bộ vượt sông như cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai 2 phía Đông; cầu Sài Gòn 2; cầu Thủ Thiêm 2, 3; cầu Vàm Thuật và đường Vườn Lài. Cùng với 2 dự án đường cao tốc đã và sẽ  đầu tư xây dựng, TPHCM còn quy hoạch xây dựng thêm 2 tuyến đường cao tốc trong giai đoạn 2021-2025 là TPHCM - Củ Chi - Mộc Bài và TPHCM - Chơn Thành - Lộc Ninh.
TPHCM xác định trong  giai đoạn 2015-2020, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách công cộng và vận tải đường sắt đô thị (gồm 7 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP) sẽ từng bước được hình thành từ năm 2021-2025.
Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung nghiên cứu, triển khai sớm các biện pháp kinh tế, hành chính với lộ trình phù hợp nhằm hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng.

Cần khoảng 9 triệu tỉ đồng

Đó là tổng số vốn đầu tư xã hội mà TPHCM cần có để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 là khoảng 1,3-1,4 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách chiếm khoảng 12%); giai đoạn 2016-2020 là từ 2,7-3 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách khoảng 10%) và giai đoạn 2021-2025 là từ 5-5,6 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách khoảng 8%).

Theo UBND TPHCM, để có nguồn vốn đầu tư khổng lồ này, TP sẽ phải huy động từ nhiều phía. Trong đó, vốn từ thành phần kinh tế Nhà nước chiếm 25%-35%; vốn từ thành phần kinh tế ngoài Nhà nước chiếm từ 50%-55% và vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 15%-25%.

Ngoài những giải pháp về huy động vốn đầu tư, TPHCM thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư  BOT, BT, PPP…, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hiệu quả kết cấu hạ tầng, chú trọng khai thác nguồn vốn ODA.

TP cũng thực hiện một số giải pháp khác như phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Bên cạnh những giải pháp mang tính nội lực, UBND TP cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân cấp mạnh hơn cho TP, cho phép TP thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay quy định hiện hành của Nhà nước.

(Theo Người Lao động)