Tư vấn công nghệ mới

Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng

Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 15/2013/NĐ-CP (theo văn bản số 10800/SXD-QLCLXD ngày 16/12/2013)

.... xin liên hệ với Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Sở Xây dựng, địa chỉ 60 Trương Định quận 3, số điện thoại 39326214 - xin số 420, để được hướng dẫn thêm./.

 

Nghị định 15 về Quản lý chất lượng công trình có hai nội dung mới rất đáng chú ý, liên quan đến thủ tục hành chính, dự đoán gây ảnh hưởng lớn đến các chủ đầu tư. Đó là việc nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu công trình, kiểm tra hồ sơ thiết kế dự án sử dụng vốn ngân sách để đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.

 

Tại điều 32 NĐ 15 quy định: Trước 10 ngày làm việc (hoặc trước 20 ngày làm việc, tùy theo cấp công trình) so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu công trình, CĐT phải gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để báo cáo hoàn thành hạng mục hoặc công trình để được kiểm tra về công tác nghiệm thu. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra sự tuân thủ pháp luật về quản lý chất lượng công trình của dự án. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu CĐT và các bên liên quan giải trình, khắc phục các tồn tại nếu có hoặc phải kiểm định chất lượng công trình. Cơ quan này phải có kết luận bằng văn bản trong vòng 15-30 ngày  (tùy loại, cấp công trình) về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu. Nếu quá thời hạn mà CĐT không nhận được kết luận này thì được quyền nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng. Cơ quan quản lý nhà nước nêu trên phải chịu trách nhiệm về việc không có kết luận kiểm tra của mình.

Những công trình thuộc diện phải được nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu không phân biệt nguồn vốn mà tùy vào quy mô, cấp công trình (được quy định cụ thể tại Thông tư 33/2009 của Bộ Xây dựng về phân loại, phân cấp công trình). Chung cư từ cấp III trở lên (bốn tầng trở lên theo Thông tư 33), nhà ở trên 7 tầng, công trình công cộng từ cấp III trở lên phải được nhà nước kiểm tra về công tác nghiệm thu. Công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật cũng tùy theo quy mô mà xếp vào đối tượng được kiểm tra về công tác nghiệm thu công trình hay không. Những cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu gồm Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiểm tra đối với công trình thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Đây là điểm mới hoàn toàn so với Nghị định 209/2004. Nghị định 209 giao quyền và trách nhiệm cho chủ đầu tư trong việc đảm bảo chất lượng công trình. Do đó, công tác nghiệm thu chỉ do chủ đầu tư nghiệm thu với nhà thầu thi công, hoặc thêm đơn vị thiết kế. Nhà nước không tham gia trong thủ tục nghiệm thu. Ngay cả những dự án quan trọng, công cộng và tập trung đông người như nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc, trường học, sân vận động, nhà thi đấu, siêu thị, nhà chung cư, nhà làm việc, khách sạn nhiều tầng, các công trình hóa chất và hóa dầu, công trình kho chứa dầu, khí; các công trình đê, đập, cầu, hầm lớn…thì trước khi đi vào sử dụng phải có giấy chứng nhận phù hợp chất lượng công trình. Cơ quan cấp giấy chứng nhận phù hợp chất lượng công trình không phải cơ quan quản lý nhà nước mà là tổ chức tư vấn có chức năng này. Điều đó cho thấy quan điểm của NĐ 209 là xã hội hóa về chất lượng công trình.

Điểm mới thứ hai trong nghị định 15, cũng liên quan đến chất lượng công trình là đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra thêm sự hợp lý của hồ sơ thiết kế nhằm “bảo đảm tiết kiệm chi phí và hiệu quả đầu tư” (điểm b, khoản 4 điều 21). Quy định này lại nhận được đồng tình cao cho rằng cần thiết ban hành để chống lãng phí trong thiết kế làm đội chi phí của dự án sử dụng vốn ngân sách một cách không kiểm soát. được.