Tin tức và Sự kiện

GS-TS Phạm Khắc Hùng: “Rất cần công trình biển”

  Trong 25 năm qua, Viện Xây dựng công trình biển đã đào tạo được 966 kỹ sư xây dựng công trình biển và dầu khí, 46 kỹ sư xây dựng công trình ven biển. Gần 50% kỹ sư do viện đào tạo đang phục vụ trong ngành dầu khí.


Trong 25 năm qua, Viện Xây dựng công trình biển đã đào tạo được 966 kỹ sư xây dựng công trình biển và dầu khí, 46 kỹ sư xây dựng công trình ven biển. Gần 50% kỹ sư do viện đào tạo đang phục vụ trong ngành dầu khí.
Trong hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ của viện, đáng chú ý có kết quả đề tài trọng điểm cấp bộ đã được ứng dụng để xây dựng thành công 4 đèn biển theo nguyên lý trọng lực tại ven các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca từ năm 2009 - 2011.

Viện đã trực tiếp tham gia thiết kế, thẩm tra và theo dõi thi công nhiều công trình quốc phòng trên vùng bãi cạn san hô Nam Trường Sa (các công trình DKI) và các công trình trên quần đảo Trường Sa. Viện đã trực tiếp tính toán, kiểm tra, tư vấn cho nhiều công trình dầu khí...

_________________________________________________________________________
 
Viện Xây dựng công trình biển (ĐH Xây dựng) là cơ sở đầu tiên và vẫn là duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm này, thực hiện đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và tư vấn chuyển giao công nghệ cho các công trình dầu khí ngoài khơi, ngoài ra còn có các công trình ven biển, trên hải đảo, các công trình và các phương tiện hoạt động trên biển.

GS-TS Phạm Khắc Hùng là người sáng lập (và là viện trưởng trong suốt 3 nhiệm kỳ đầu tiên) của ngành đào tạo hết sức quan trọng này, dựa trên một bộ môn mới thành lập tại Trường ĐH Xây dựng cách đây vừa đúng 25 năm.  


Tôi may mắn khi tìm ra khoảng trống


- Tháng 1 năm 1981, lần đầu tôi được sang Pháp thực tập khoa học với đề tài “Nghiên cứu tự động hóa thiết kế kết cấu xây dựng”. Được đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Đảng CS Pháp về Bác Hồ (mang tên là Nguyễn Ái Quốc) ở số 9 ngõ Compoint, Paris, tôi đã chụp một bức ảnh để ghi lại như lời tự hứa với bản thân: Đi học hỏi khoa học ở Pháp cũng phải cố gắng làm được việc gì có ý nghĩa đem về cho đất nước.

Khi sang Pháp, thực tập tại một cơ sở trước đây họ làm về thiết kế xây dựng, nhưng sau đó đã chuyển sang nghiên cứu thiết kế các giàn khoan dầu khí ngoài biển, tôi thấy mình có cơ may rồi, và nảy ra ý định đi theo hướng mới của họ. Ngay sau đó tôi viết thư về xin đổi đề tài và đã được Hiệu trưởng nhà trường khi đó là GS Đỗ Quốc Sam hoàn toàn đồng ý và khích lệ.

Đến thời điểm đó, cũng đã có nhiều người Việt Nam đã đi nước ngoài, nhưng chưa ai nghĩ tới việc làm công trình trên biển để khai thác tài nguyên biển, đồng thời cũng là khẳng định chủ quyền.

Trước đây chúng ta đã có câu chuyện 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển; nhưng dường như chúng ta đã lãng quên vế xuống biển của câu chuyện này.

- Từ cơ duyên ban đầu này, để có được một cơ sở vững chắc như hiện tại, ông và viện đã phải qua những khó khăn nào?

- Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi phát hiện ra một khoảng trống quan trọng của đất nước là phải có hoạt động gì để giữ biển và khai thác tài nguyên biển, mà giai đoạn này lại đúng lúc với sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh  Việt - Xô (năm 1981) để thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển nước ta.

Khi sang Pháp lần đầu, có rất ít người Việt ở bên đó. Việt kiều đã ở đấy lâu năm rất quý mến chúng tôi, đặc biệt đối với người miền Bắc, nên cứ thứ bảy, chủ nhật là lại gọi điện đến đón đi chơi. Tuy nhiên, ngay từ khi đó tôi đã tự xác định đây là nơi mình còn phải đến nhiều lần để giao lưu học hỏi, sẽ đưa cả đồng nghiệp, học trò, con cái sang đây học tập và nghiên cứu. Vì vậy, nếu muốn trở lại, mình phải có công trình khoa học gây ấn tượng với phía bạn. Chính vì vậy thỉnh thoảng tôi mới đi, mà thường ở nhà làm việc trong những ngày cuối tuần.

Những năm 1981-1982 Việt Nam còn chưa khai thác dầu, chưa ai hiểu gì về công trình biển. Năm 1982 tôi về nước, vào Vũng Tàu 6 tháng để cùng tham gia học hỏi quá trình chế tạo giàn khoan đầu tiên (MSP1). Đã rất “máu mê” với việc này thì tôi lại được phía Pháp trực tiếp cấp học bổng sang nghiên cứu tiếp về lĩnh vực công trình dầu khí biển vào đầu năm 1986. Chính lần đi này khiến tôi “tỉnh ra” là Việt Nam rất cần các công trình biển.

Trở về nước, ông Hùng xin mở lớp cao học trước để có cơ sở cho lãnh đạo trường tin tưởng về khả năng mở ngành mới của mình. Lớp cao học được 5 tháng thì tờ trình xin mở “ngành xây dựng công trình biển” được ký duyệt. Sau khi bộ môn hoạt động được 6 năm, ngày 11.6.1994, Bộ trưởng Bộ GDĐT Trần Hồng Quân đã ký quyết định thành lập “Viện Xây dựng công trình biển” (Icoffshore), nhằm kết hợp giữa công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng sản xuất.

PGS-TS Đinh Quang Cường- Viện trưởng đương nhiệm Viện Xây dựng công trình biển (ĐH Xây dựng) đã nhận xét: “Để chinh phục biển, cần sức mạnh trí tuệ và sức mạnh tập thể, trước biển mọi cái tôi bé nhỏ đều vô nghĩa. Năm 2010, tôi cùng với 6 thầy giáo của ĐHXD đã có 20 ngày đi biển, trong đó sống và làm việc trên đảo Trường Sa Lớn 15 ngày. Tôi nghĩ rằng sau 20 ngày đó, chúng tôi đã nhận ra một giá trị nữa của cuộc sống, khác khá xa so với giá trị vật chất.

Những ngày cách đây 25 năm, khi đi theo tiếng gọi của thầy giáo Phạm Khắc Hùng, mở ngành xây dựng công trình biển, chúng tôi chưa nghĩ được như hôm nay. Nhưng “tinh thần biển” đã có trong mỗi chúng tôi từ ngày đó. Tinh thần biển đã cho chúng ta sức mạnh để vượt qua khó khăn và đến hôm nay có thể nói đã có được những thành công ban đầu”.

- Ông đã thuyết phục họ như thế nào?


- Sau khi mở được ngành là vấn đề tìm người.  Đội ngũ mà tôi tập hợp được phần lớn là những học trò xuất sắc, đã biết tôi là người như thế nào. Bản thân họ cũng là những người thích khám phá khi đã theo đuổi các ngành xây dựng và công trình thủy. Có thể nói lúc đó còn chưa hiểu ý nghĩa chính trị lắm, nhưng họ là người giỏi giang và thích những khám phá điều mới lạ.

“Gánh” còn rất nặng


- Các lớp cao học của viện được mở ở Vũng Tàu là các lớp “đặc biệt”, vì theo quy định của Bộ GDĐT, các đơn vị không được đào tạo cao học ngoài cơ sở của trường. Viện muốn đào tạo cao học thì học viên phải về học tại trụ sở của trường ở Hà Nội?

- Tôi đã phải đến gặp Thứ trưởng thường trực Bộ GDĐT đề nghị cho mở lớp cao học dạy tại Vũng Tàu. Bây giờ dầu khí đóng góp trên 30% GDP của đất nước. Những học viên theo học khóa này đều không thể bỏ việc mà về Hà Nội học được. Lý lẽ mà tôi đưa ra để thuyết phục lãnh đạo bộ là trước đây văn công ra tận tiền tuyển để phục vụ chiến sĩ, thì ngày nay những người thầy cũng có thể đến tận nơi để phục vụ những “chiến sĩ” trên mặt trận khai thác dầu khí ngoài biển này. Cuối cùng, Bộ GDĐT đã cho phép ngoại lệ như đề nghị trên.

Đây là lớp học của những kỹ sư trình độ cao, đang làm việc cho các công ty nước ngoài bằng tiếng Anh. Dạy họ là phải nâng được tầm của họ cao hơn nữa. Lớp cao học này tôi đã phải dạy tới 9 môn chính của ngành, chiếm trên nửa số môn học chuyên môn.

- Với một người ở độ tuổi “thất thập” như ông, điều gì đã khiến ông vẫn dốc sức như vậy?

- Tôi luôn nghĩ rằng vấn đề này rất quan trọng cho đất nước, không có nơi nào khác làm. Vì vậy, chúng tôi phải cố gắng.

Trong gần 1 năm “nằm vùng” tại Vũng Tàu để dạy học cho khóa 2, tôi thường ăn cơm tối vào lúc gần 10h. Điều đặc biệt là kết thúc khóa học, cả lớp đã tập hợp bài giảng của 9 môn mà học viên ghi được, trong đó có một số môn dạy bằng tiếng Anh do tôi dạy, đóng thành một quyển tặng lại cho tôi. Đây là món quà quý mà tôi chưa từng được nhận.

Lớp này có trường hợp đặc biệt là học viên Đỗ Hồng Tiến (cán bộ Công ty điều hành dầu khí Biển Đông POC). Vừa xong khóa học là anh này đi theo một giàn đã chế tạo, chở ra biển để dựng lắp ở độ sâu nhất mà Việt Nam khai thác hiện nay là 134m (mỏ Hải Thạch, bể Nam Côn Sơn) suốt 6 tháng, mà đây cũng là thời gian phải làm luận văn thạc sĩ. Đây cũng là luận văn cao học đầu tiên thí điểm làm song ngữ Việt - Anh. Thầy trò chúng tôi hằng đêm trao đổi qua mạng. 6 tháng sau, khi gặp lại Tiến ở Vũng Tàu, tôi kinh ngạc thấy anh râu dài tới ngực. Luận văn Tiến đã bảo vệ thành công, là một trong những luận văn cao điểm nhất (xếp loại giỏi) của đợt 1 khóa học.

- Tại sao học viên của ông lại có được tinh thần đó?

- Có thể nói đây là tinh thần mạnh mẽ của học viên của chúng tôi đáng tự hào khi đang theo đuổi các mục tiêu cao cả “khai thác dầu khí để làm giàu cho đất nước”, nhưng luôn phải cảnh giác và chịu sức ép từ bên ngoài. Trong khi láng giềng có lòng tham, từ người dân bình thường cũng phẫn nộ trước ý đồ chiếm biển Đông, thì giảng viên, sinh viên của viện có lòng tự hào là mình đã đi theo ngành nghề này. Cho nên thầy trò có ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết rằng mình càng nỗ lực về nghề nghiệp chính là thể hiện lòng yêu nước và giữ chủ quyền biển của đất nước mình, là “điều nóng bỏng” mà từ các vị lãnh đạo cấp cao của đất nước đến mọi người dân đang quan tâm.

- Với những lớp sinh viên sẽ theo đuổi ngành học này trong thời gian tới, ông có mong chờ, yêu cầu gì?

- Hiện nay có các vấn đề mà thế giới đang quan tâm là tình hình khai thác dầu khí ở độ sâu hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ khó hơn. Một yếu tố quan trọng nữa là sự biến đổi khí hậu bất thường.

Có hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước mà tôi vừa hoàn thành, trong đó có 2 vấn đề phát sinh mà tôi đang trăn trở. Thứ nhất là “Nghiên cứu đánh giá rủi ro, quản lý và giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác các công trình dầu khí biển, nhất là khi ra vùng nước sâu”. Thứ hai là “Nghiên cứu tạo lập loại công trình biển mềm nước sâu, có khả năng thích nghi với các biến động bất thường của môi trường biển”. Thế giới đã có nghiên cứu tạo lập loại công trình biển mềm nước sâu, nhưng phần “có khả năng thích nghi với các biến động bất thường của môi trường biển” là phần mà tôi muốn hướng tới do điều kiện biển của Việt Nam rất phức tạp.

Đây là hai vấn đề rất căn bản. Hướng nghiên cứu này có thể thực hiện trong hàng chục năm sắp tới, khi thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt và chúng ta sẽ ra biển ngày càng sâu hơn. Đây rõ ràng là thách thức trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao, thạc sĩ và tiến sĩ ngành xây dựng công trình biển trong thời gian tới. Bên cạnh việc học hỏi thế giới, các em sẽ phải có sáng tạo riêng để thích hợp với điều kiện tự nhiên của biển Việt Nam.
  
Một vấn đề quan trọng nữa mà tôi đã tính đến đó là, đến một lúc nào đó dầu cạn kiệt thì vai trò của đội ngũ này sẽ là gì? Những nguồn năng lượng tái tạo sẽ cần phải nghiên cứu là năng lượng sóng, gió, thủy triều. Ngoài ra còn là các công trình biển đảo phục vụ du lịch, tìm kiểm nguồn năng lượng mới ở các địa tầng…  

Đây sẽ là những hướng đi tất yếu sẽ được chuyển giao cho các thế hệ trẻ, với đội ngũ cựu sinh viên hiện nay và các lớp tiếp theo sau này của viện.

Còn trước mắt, tôi có chủ trương sẽ dần “đóng cửa” để viết sách. Viết một bộ sách căn bản cho ngành đối với tôi đang là món nợ rất lớn.

- Xin cảm ơn ông.
 

Hạnh Ngân thực hiện
Báo Lao Động